Sunday, September 15, 2013

Những dòng sông ngắc ngoải


Sông Cái Khế (TP Cần Thơ) luôn đầy rác.
Sông Cái Khế (TP Cần Thơ) luôn đầy rác.
ND - Con phà nhỏ rời bến Tân Thành (huyện Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp) từ từ băng ngang dòng sông Hậu cuồn cuộn chảy, hướng về cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Trời nắng gắt oi bức, tôi vừa cúi người định vốc nước sông phả lên mặt cho mát thì Hai Mách, lão chủ  phà, hớt hải giật giọng: "Ê, ê mậy! Chớ dại rửa mặt bằng nước sông, dơ bẩn thấy mồ!".
Hai Mách tụt vội từ ca-bin chiếc phà  xuống chỗ tôi: "Nhìn kỹ coi! Rác rến lều bều kìa. Biết dọc theo sông này bao nhiêu nhà ngày ngày xả rác thải xuống không? Rồi bao nhiêu nhà máy chế biến thủy sản, khu - cụm công nghiệp, hầm nuôi cá xả chất bẩn ra sông không ? Lâu quá rồi, dân vùng này hổng dám dùng nước sông. Tắm như xưa còn hổng dám!". Tôi nhìn Hai Mách, rồi lại nhìn dòng nước đục lờ đờ.  Gần 60 năm lớn lên trên bến sông này, ăn cùng sông, uống cùng sông, lớn lên, già đi cũng cùng sông nước, sao mà tỉnh queo ghẻ lạnh với sông vậy ta ? "Hồi trước năm 2000, dân bên bờ sông Hậu còn múc nước sông lên lóng phèn ăn uống, tắm gội.  Giờ thì nước sông bẩn quá trời, chỉ dùng để tưới cây, tưới lúa" - giọng Hai Mách nuối tiếc, tưng tửng mà nghe chừng chua xót thế nào.
Tôi đã nhiều lần ngược xuôi trên hai dòng sông Hậu, sông Tiền. Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Ðốc, Vĩnh Long, Cao Lãnh, Mỹ Tho... đến những thị trấn như Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Dầu, Cái Bè... nơi nào cũng nhà sàn san sát ven sông. Về miệt vườn cũng vậy, sông chảy tới đâu, chen chúc nhà hai bên tới đó.  Ngày ngày, thôi rồi là  bịch, là bọc, đồ bỏ đi, chất thải vô tư ném xuống. Cọng rau lều bều, ni-lông lập lờ, ve chai, hộp xốp thức ăn còn là nhẹ. Xác mèo, chó, lợn mắc dịch, gà, vịt chết bỏ cũng "gửi" nhờ nước mang đi.  Ðáng sợ nhất là một "chuỗi" dịch vụ vệ sinh chả theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường nào và đương nhiên, dòng sông thành một cái "bể phốt khổng lồ". Lão Hai Mách nói "Ðời nào thay được! Ðó là cuộc sống của dân sông nước rồi. Cứ bỏ đi, dơ bẩn, phế thải là ném xuống sông". Chợ nổi như Long Xuyên, Cái Răng, Phong Ðiền, Cái Bè... mỗi ngày có hàng chục nghìn con người xả rác còn tệ nữa: "Tui không biết mấy nhà máy, xí nghiệp, ao hồ nuôi thủy sản dọc hai bờ sông Tiền, sông Hậu thế nào, chớ chỉ nhìn dân ven sông xả thả đã... nổi da gà", Hai Mách nói.
Theo nghiên cứu của một nhóm sinh viên  Ðại học Ðồng Tháp, muốn có 1 kg cá da trơn, nông dân phải sử dụng trung bình khoảng 4 kg thức  ăn công nghiệp. Nhưng của đáng tội, con cá chỉ "xài" 17% thức ăn, 83% còn lại thải vào môi trường nước dưới dạng phân và chất hữu cơ dư thừa. Tại các ao nuôi cá công nghiệp, chất thải trong ao chứa đến hơn 45% Nitrogen và 22% các chất hữu cơ. Như vậy, để có một triệu tấn cá da trơn xuất khẩu đưa đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) lên ngôi vị số 1 thì môi trường sông nước phải gánh chịu ít nhất ba triệu tấn chất thải nguy hại!
Chi cục Bảo vệ môi trường Tây Nam Bộ minh chứng nguyên do các "con bệnh" sông ngòi đang "hấp hối" vì ô nhiễm. Chất thải đô thị và sản xuất công, nông nghiệp được xả thẳng ra sông, kênh rạch là hơn 222 nghìn tấn mỗi năm, chất thải nuôi trồng thủy sản 456 triệu m3/năm, chất thải công nghiệp nguy hại hơn 2.400 tấn mỗi năm và nước thải sinh hoạt là hơn 102 triệu m3/năm... Kinh hoàng! Sao mà kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không thành kênh đen! Sao mà sông Thị Vải, nội một vụ xả trộm dằng dai, bí mật và tinh vi như ma trận của Công ty Vê-đan hồi nào đã đủ ngắc ngoải, chỉ mong bò ra được tới biển trong lành, gột rửa sạch ô uế mà cắc cớ không xong !
Tôi nghĩ, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chắc chắn không phải là những nhà bi quan chủ nghĩa, cũng không phải để hù ai  khi công bố: gần 3,6 triệu dân sống ở các đô thị ÐBSCL xả thải ra môi trường khoảng 100 triệu m3 nước thải/năm, chất thải rắn hơn 600 nghìn tấn/năm.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) các tỉnh đã "điểm mặt" danh tính những dòng sông "bẩn". Nào sông Tiền, kênh Vĩnh Tế, Trà Sư (An Giang), nào sông Hậu, Cổ Chiên, Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây, Cần Giuộc (Long An), Phụng Hiệp (Hậu Giang), tới Khánh Hội, Bảy Háp, Sông Ðốc (Cà Mau)... Không như những đại lộ ở Hà Nội, Sài Gòn, "kéo dài" tới đâu, phố phường sáng sủa tới đó, cái danh sách sông đen này, dám "kéo dài" tới đâu là đem theo âu sầu, thắc thỏm tới đó lận. Với ba thứ mánh mung chôn lấp thuốc trừ sâu coi báo còn nóng nguyên; rồi sáng biểu hốt vụ xả trộm  chỗ này, chiều giựt mình thon thót nghe bắt vụ doanh nghiệp kia đổ tùm lum tà la chất thải ra sông, ra ruộng, công an mật phục cứ như đi bắt ma túy, biết rồi sáng  mai tỉnh dậy có còn ban mai không ? Con cá con tôm còn phễnh bụng nổi phềnh, con người rồi sao nữa đây trời.
 Không riêng sông chết không được nhìn mặt biển, nhiều kênh rạch nhỏ đã "tắt thở hẳn", chỉ là cái xác không hồn trước khi về với mẹ sông. Kênh Năm Thước ở xã Hòa Thành (huyện Lai Vung, Ðồng Tháp), không chịu nổi nước thải của nhà máy chế biến bột cá, mỡ cá tra, đành đổi mầu nước, mặc kệ mùi hôi hám nồng nặc và trả thù ngứa ngáy cho bất cứ ai lỡ động chạm vào dòng nước; kênh Nam Vang ở xã Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) đen thui hôi thối quanh năm vì nước thải của hàng chục nhà máy tại cụm công nghiệp trên bờ thải ra trước khi đổ thẳng vào sông Tiền. Cái ông nhà thơ nọ có một câu thơ nói như "đúng rồi", xem ra ứng vận với những dòng sông chết. Ðừng tưởng bở nghen! Rằng "Cứ sông là chảy, cứ ao là tù". Sông ơi chảy đi, nghe cứ như chuyện đùa cợt tai quái. Bà Ðỗ Thị Út, nhà bên bờ kênh Nam Vang, than vãn với tôi: "Nhà tui luôn đóng kín cửa nhưng mùi hôi vẫn lén vào. Ba đứa con nít bị bệnh hô hấp liên tục vì không khí ô nhiễm nặng. Ban ngày ruồi nhặng bay khắp nơi, ban đêm  muỗi nhiều vô số kể".
Sở TN-MT thành phố Cần Thơ ước tính mỗi ha mặt đất hằng ngày tiếp nhận gần 73 kg chất hữu cơ trong nước thải sinh hoạt, công nghiệp và chăn nuôi (hơn 26 tấn/ha/năm). Nguồn nước trên sông Hậu bị ô nhiễm cấp 2, rạch Sang Trắng (Ô Môn) ô nhiễm cấp độ 7, rạch Bò Ót (Thốt Nốt) ô nhiễm cấp độ 4. Theo quan trắc của giới khoa học, hiện nay nguồn nước mặt chủ yếu bị ô nhiễm bởi chất rắn lơ lửng (TSS), Amoni, Phosphat, vi sinh ở mức rất nghiêm trọng, các chỉ số BOD, COD, Coliforoms... đều rất cao, nhiều nơi vượt quy chuẩn môi trường hơn 10 lần.
Một nhà "sông học" nghiệp dư nói với tôi rằng, đừng tưởng họ giết sông bởi chất độc, mà còn giết sông bởi cả "thuốc bệnh, thuốc bổ!" cho cây trồng. Rầu thúi ruột nghe mấy tổng kết: phân bón hóa học, thuốc trừ sâu được sử dụng trong ngành nông - lâm - ngư  nghiệp là một "sát thủ" nguồn nước.
Riêng tại An Giang, với diện tích gieo trồng trung bình hằng năm khoảng 662.500 ha, người dân đã thải ra môi trường khoảng 1.126 tấn vỏ bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật! Những hóa chất độc hại tồn lưu trên ruộng vườn âm thầm theo nước mưa hoặc dòng chảy bơm thoát tưới tiêu ngấm vào nguồn nước sông rạch gây ra sự nhiễm độc vô hình.
Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Phó Hiệu trưởng Ðại học Tiền Giang, nhà nông học có tiếng của ÐBSCL, có lần nói với tôi: "Ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân áp dụng ba giảm ba tăng, phòng trừ dịch hại tổng hợp... để giảm chi phí  phân bón, thuốc BVTV, giảm nguy hại cho sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường. Nhưng "khuyến" thì cứ khuyến, đâu vẫn đóng đó, vì ý thức và tập quán canh tác người dân". Nhà khoa học kêu thì lo một kiểu. Tới Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An Lê Minh Ðức cũng nói rằng, khuyến cáo nông dân giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV là chuyện hết sức khó khăn thì hết biết. Chớ sao, bởi "cùng trên một cánh đồng, nhưng ông A nhìn thấy lúa trên ruộng của ông B, ông C xanh tốt, ít sâu rầy hơn, thì lập tức chạy ra chạy vô ôm về đủ thứ phân bón, thuốc trừ sâu ném vào ruộng, không cần biết hiệu quả ra sao. Phun xong, lại thản nhiên vứt bao bì, chai lọ ra bờ ruộng hoặc xuống kênh mương, vậy là cả ruộng đồng, kêch rạch, nguồn nước đều bị nhiễm độc", sâu biết có chết ngay không, nhưng đời cháu con mình chết - ông Ðức nói.
Ðến vùng Ðồng Tháp Mười trong một ngày nắng như thiêu đốt, tôi ái ngại nhìn dòng kênh 79 cạn sệt, nước bùn đục ngầu, nghĩ đến viễn cảnh phải tắm  trong dòng nước ấy mà ớn. Lưu Văn Ưa, nông dân  ấp Gò Chuối, xã Hưng Ðiền (Tân Hưng, Long An), cười tươi rói: "Ðừng lo chú ơi! Mấy năm nay bà con vùng này xài toàn nước máy  ăn uống, tắm giặt, ai mà còn sử dụng nước kênh nữa". Hóa ra, nước máy của người dân ấp Gò Chuối là tháp nước sinh hoạt nông thôn cao vòi vọi mà  nguồn nước được hút lên từ chiếc giếng ngầm  ăn sâu xuống lòng đất.
Không riêng Hưng Ðiền, các tỉnh miền Tây Nam Bộ giờ giếng nước ngầm mọc lên như "nấm". Từ  những vùng quê heo hút ở huyện biên giới Tân Hồng (Ðồng Tháp) cho đến những thành phố lớn như Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau... đều thấy cư dân sử dụng nước giếng khoan sâu hun hút.
Nhà trên sông, nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Về Cà Mau, tôi đọc một khảo sát của Viện Ðịa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy: hơn 1,2 triệu cư dân trong tỉnh sử dụng nguồn nước giếng khoan để ăn uống, tắm giặt hằng ngày, với hơn 109 nghìn giếng, công suất bơm hút hơn 373 nghìn m3/ngày đêm. Ði công chuyện về các xã ven thành phố Bạc Liêu (Bạc Liêu), thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nông dân "chơi sang"  đến mức, khoan giếng ngầm để lấy nước ngọt pha vào ao nuôi tôm giảm độ mặn, hoặc tưới rẫy hoa màu thoải mái. Nghe tôi hỏi vì sao phải lấy nguồn nước ngầm quý báu để tưới rẫy, Dương Sà Thết, ấp Âu Thọ A, xã  Vĩnh Hải (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) hồn nhiên: "Nước ngầm tốt hơn nước sông! Tưới rẫy trong mùa khô hạn rất hiệu quả, nên ai cũng khoan giếng lấy nước". Trong khi đó, ở vùng hạ của tỉnh Long An, cư dân tấp nập khoan giếng hút... nguồn nước mặn dưới lòng đất để nuôi thủy sản. Ông Phan Văn Kiếu, xã Tân Chánh, huyện Cần  Ðước, khoe: "Bơm nước mặn lên nuôi tôm trúng bể tay! Mấy năm nay, vùng này ai nuôi tôm sú, tôm thẻ cũng thuê người khoan 1-2 giếng ngầm lấy nước vì nước mặt ô nhiễm quá".
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp cho rằng, trong tình hình nguồn nước mặt ô nhiễm nghiêm trọng, việc xây dựng những nhà máy cung cấp nước sạch bằng cách xử lý nguồn nước sông ô nhiễm quá tốn kém vì cần hàng trăm tỷ đồng/nhà máy và lâu thu hồi vốn, chỉ còn giải pháp khoan giếng lấy nước ngầm. Khoan khoan hò khoan, họ "khoan" được tới mình cũng được. Bộ TN-MT lược tính, hiện ÐBSCL đang có hơn 400 nghìn chiếc giếng với tần suất bơm hút khoảng hơn 1 triệu m3/ngày đêm. Ngoài Cà Mau, các tỉnh nhiều giếng ngầm nhất là Bạc Liêu (98 nghìn giếng), Sóc Trăng (75 nghìn giếng), thành phố Cần Thơ (32 nghìn giếng)... Con số giếng ngầm vẫn tiếp tục tăng lên khi Tiền Giang, Ðồng Tháp, Long An, An Giang, Vĩnh Long... được Chính phủ đầu tư xây dựng hơn 1.000 cụm, tuyến dân cư vượt lũ và cứ mỗi một cụm, tuyến dân cư mọc lên thì có thêm từ một đến hai giếng ngầm để lấy nước phục vụ người dân.
Chao ôi, những dòng sông tưởng đang chảy yên bình đó, vậy mà có khi đang ốm, đang "sống thực vật" cũng như người bệnh vậy. Sông với người đúng là đang có chuyện. Không còn cái tình "Tôi giơ tay ôm nước vào lòng/ Sông mở nước ôm tôi vào dạ (Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh) nữa! Người làm khổ sông, rồi đến khi sông ốm, sông đau, bệnh tật đầy mình, thì rồi con người thấy sông mà sợ, mà rẻ rúng. Nhìn sông nay, tôi lại dợm lo cho những giếng khoan vô tội vạ kia, rằng tới hồi "em" cũng hương sắc tàn phai, cũng  đau, cũng già như "chị"... mà nhỡn tiền cái họa vô chừng cũng đang lấp ló đâu đây.
Mỗi năm nông dân ÐBSCL sử dụng hơn hai triệu tấn phân bón, hơn 500 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật hóa học để có 20 triệu tấn lúa và  hàng triệu tấn trái cây, rau màu. Nghiên cứu của nhóm sinh viên Ðại học Ðồng Tháp chỉ ra rằng, có 60 đến 65% lượng phân đạm, 55 đến 60% lượng phân lân và 55 đến 60% phân ka-li được bón vào đất nhưng cây trồng không hấp thụ được.

No comments:

Post a Comment