Năm học 2013 - 2014 vừa bắt đầu, là thời điểm tập trung đông học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo, các trường học từ thành thị đến các vùng nông thôn. Do sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố..., làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm (NÐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh, sinh viên. Ðây cũng là nỗi lo thường trực của các bậc cha mẹ học sinh trong thời điểm hiện nay.
Mới đây, tại Trường tiểu học thị trấn Cốc Pài và Trường THCS bán trú xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần (Hà Giang), sau khi ăn cơm ở trường, 47 học sinh xuất hiện các triệu chứng như: buồn nôn, đau đầu, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt..., nghi là bị NÐTP phải vào viện cấp cứu. Trước đó, theo kết quả điều tra vụ NÐTP tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mường Nhé (Ðiện Biên), làm cho mười em học sinh của trường phải vào viện, cho thấy nguyên nhân ngộ độc là ăn hoa quả (dưa chuột, dưa vàng) bị ô nhiễm hóa chất. Ðiều đáng mừng, các em học sinh bị NÐTP ở ba trường học nêu trên đều được phát hiện và điều trị kịp thời, nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Ðể tăng cường công tác kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống NÐTP tại các trường học, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo ngành y tế phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố chung quanh khu vực trường học và bếp ăn trong trường về điều kiện ATTP theo quy định. Ðịnh kỳ và đột xuất tổ chức thanh tra các bếp ăn tập thể, căng-tin của trường học, quán ăn vỉa hè, thức ăn đường phố tại các khu vực tập trung đông người nhằm phát hiện các vi phạm về bảo đảm ATTP; chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vị phạm, cũng như kiên quyết không để các cơ sở không bảo đảm ATTP được hoạt động kinh doanh thực phẩm.
Ngành y tế phối hợp chặt chẽ ngành giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh công tác, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức ATTP và các biện pháp phòng, chống NÐTP trong các trường học, như vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, không mua bán, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm trôi nổi trên thị trường. Ðồng thời, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP để nâng cao trách nhiệm, lương tâm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các đối tượng kinh doanh thực phẩm, người chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể, căng-tin của trường học, quán ăn vỉa hè, khu vực lân cận trường học.
Các cơ sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định nêu trong "Hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trong các cơ sở giáo dục". Trong đó cần chủ động triển khai các hoạt động triển khai, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP trong trường học trên địa bàn; kiểm tra thường xuyên việc vệ sinh ATTP trong các bếp ăn, căng-tin trong các nhà trường, như nguồn gốc thực phẩm, chất lượng thực phẩm, các trang thiết bị, dụng cụ chế biến thức ăn, công tác vệ sinh khu vực chế biến thực phẩm, nhất là việc thực hiện "10 nguyên tắc vàng về ATTP". Tăng cường giáo dục học sinh tham gia tích cực vào việc giữ vệ sinh bảo đảm ATTP như: giữ gìn vệ sinh trường, lớp, thói quen vệ sinh cá nhân và các hành vi văn minh nơi công cộng, tạo môi trường thân thiện trong trường học, thông qua các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt ngoại khóa...
Với sự nỗ lực của UBND các cấp, các cơ quan chức năng, trách nhiệm và lương tâm người sản xuất, kinh doanh, cũng như nhận thức của các thầy cô giáo, các em học sinh về vệ sinh ATTP, sẽ hạn chế thấp nhất các vụ NÐTP xảy ra tại các trường học.
No comments:
Post a Comment