Nỗi sợ hãi về bệnh tật, chết chóc đã hiện rõ trên những gương mặt nông dân ngoại thành HN.
Giờ “giới nghiêm”
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, nằm bên Quốc lộ 3, địa bàn xã Dục Tú chủ yếu là đồng ruộng. Dọc con đường lớn nối với Quốc lộ 3, đoạn từ cầu Tây – cầu Đùng (thuộc thôn Dục Tú 3) cũng là “trụ sở” của khá nhiều xưởng thủ công mà đa số chẳng có tên tuổi, biển hiệu doanh nghiệp.
Sau lưng các xưởng này là kênh Ngũ Huyện Khê, đằng trước là đường liên xã, qua đường là cánh đồng lớn, xa tầm 300m là nơi sinh sống của cư dân thôn Dục Tú 3, Dục Tú 2… Và cũng gần đó, trên cùng tuyến đường này, là trụ sở UBND xã Dục Tú.
Các hộ dân Dục Tú 3 không giấu nổi sự hoang mang trong buổi làm việc với phóng viên |
Nhưng phía sau những cánh cổng bằng tôn sắt tạm bợ là ngổn ngang từng đống kim loại các kiểu không rõ nhập về từ đâu và đã qua công đoạn xử lý vệ sinh.
Hầu hết các xưởng đều “vô danh”, bên trong ngập ngụa phế thải, muội khói bám đầy, hai bên đường cũng rải đầy xỉ lò đen và cứng như đá. Sát cạnh trạm cân 80 tấn (gần đường tàu) là bờ kênh đã được đổ hàng chục tấn xỉ than lẫn xỉ kim loại.
Những xưởng này “lộ nguyên hình” từ khoảng 21h hàng ngày. Lò nung thủ công bắt đầu hoạt động, khói nghi ngút kèm theo bụi kim loại, muội than và vô số loại chất khác theo hướng gió tấn công vào thôn Dục Tú 3.
Bà Trần Thị Hòa (tức Mai, thôn Dục Tú 3), đại diện cho gần 200 hộ dân đang cấp tập gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng, bức xúc cho biết: “Cứ từ 21h đến gần sáng là chúng tôi không thể nào thở được. Ngột ngạt và nồng nặc nhiều năm trời rồi mà không thấy chính quyền xử lý. Người dân cứ phải đóng cửa kín mít, thậm chí bịt khẩu trang cho an toàn”.
Theo bà Hòa, tình trạng này kéo dài gần 10 năm nay khiến đời sống của các hộ dân thôn Dục Tú 3 vô cùng khổ sở.
“Chúng tôi lo lắng cho hoa màu, lúa má thì ít mà sợ chết sớm là nhiều. Từ đầu năm tới giờ đã có 7 người chết vì ung thư rồi. Người khỏe còn đỡ, chứ người già, trẻ con, người bệnh tật cứ đến tối là sợ phát khiếp”, đại diện các hộ dân than vãn.
Những hình ảnh đáng sợ từ các lò đúc phế liệu kim loại thủ công gần thôn Dục Tú 3 |
|
Khi chúng tôi đến và gần 20 hộ dân này ra hiện trường thực địa, hàng chục hộ dân khác biết được cũng tới góp mặt để phản ánh những bức xúc của mình. Trong đó, chúng tôi được biết có ít nhất 2 người đang mắc bệnh hiểm nghèo về đường hô hấp.
Một cụ bà khoảng 80 tuổi đi cùng cho biết: “Tính cả năm 2012 đến giờ thì đã có 17 người chết rồi. Cái làng này trước đây thuần nông, bấy giờ cũng chưa sản xuất công nghiệp gì, nông dân ai cũng hiền lành, khỏe mạnh, mấy năm gần đây mới có nhiều người đau ốm, bệnh tật và chết trẻ như thế. Chúng tôi chẳng dám đòi hỏi gì, chỉ cần chính quyền dẹp ngay mấy cái xưởng ô nhiễm này đi”.
Chuyện chết chóc chẳng phải đùa, nhưng thông tin này tiếp tục được một vài người dân nữa phản ánh.
Sự có mặt của chúng tôi cùng lúc với gần 30 hộ dân làm xôn xao cả đoạn đường trước khu xưởng đúc phế liệu kim loại, ông Lê Văn Châu (thôn Dục Tú 3) thấy vậy cũng chạy ra “tố” mấy xưởng thủ công này là thủ phạm của căn bệnh về phổi mà ông đang mang trong mình.
Theo ông Châu, các trường hợp ốm yếu, bệnh trọng, thậm chí tử vong gần đây nhiều hơn. Bà Hòa thì nói: “Hôm nay nhà báo về, nếu mà mọi người biết thì chắc phải kéo ra đây mấy trăm người, chưa khi nào dân chúng tôi đồng lòng, đoàn kết như lúc này cả, vì ai cũng lo sợ cho sức khỏe của mình”.
“Làng ung thư” là những từ mà người dân ở Dục Tú 3 chưa muốn nhắc đến. Họ cũng không đủ chuyên môn để khẳng định điều đó, hay khẳng định thủ phạm. Nhưng sự tồn tại của những lò đốt phế loại kim loại thô sơ “vô danh” bên cạnh làng họ là có thật, hàng đêm “hun khói” người dân là sự thật.
Những sự thật ấy đang tiềm ẩn một nỗi kinh hoàng mang tên ung thư. Nhưng sự tồn tại của những lò thủ công đáng sợ ấy lại bắt nguồn từ một chuyện muôn thuở: Quản lý đất đai.
Đất nông nghiệp vốn là nơi mưu sinh của người dân thôn Dục Tú 3 đã bị “hô biến” thành những lò đốt nguy hiểm này như thế nào? Chính quyền phản ứng trước nỗi bức xúc của dân ra sao? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới độc giả.
No comments:
Post a Comment